Các hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ sửa chữa nhà ở
Sâu sát từng địa chỉ cần trợ giúp
Bà Lê Thị Thanh Nga, ở thôn Vĩnh Hương, xã Phong An là 1 trong 2 hộ nghèo có thành viên là NCC hiện còn lại trên địa bàn huyện Phong Điền. Bà Nga đang sinh sống với con gái và 3 cháu ngoại. Khó khăn lớn nhất của bà Nga là nhà ở xuống cấp, chưa được cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tìm việc làm cho con cháu. Để giúp bà Nga thoát nghèo bền vững vào cuối năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Phong Điền đã khảo sát đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền cho biết, Phòng đã đề xuất, huy động nguồn hỗ trợ từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các mạnh thường quân được 85 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình bà Nga. Trong tháng 8/2024, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan đã bàn giao đưa vào sử dụng nhà tình nghĩa, góp phần giúp gia đình bà an cư, ổn định cuộc sống.
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, đơn vị đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho con gái bà Nga vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Phong Điền với thu nhập ổn định. Cháu ngoại bà Nga cũng đang học nghề nhôm kính, rất phù hợp làm việc tại chỗ ở địa phương. Từ việc có nơi an cư lập nghiệp ổn định, con cháu có việc làm, hộ bà Nga sẽ sớm thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua, để giúp các hộ nghèo nói chung và hộ nghèo có thành viên là NCC thoát nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, các phòng LĐ-TB&XH ở các huyện, thị xã, TP. Huế đã khảo sát, đánh giá thực trạng, địa chỉ để đề xuất các giải pháp giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững. Qua khảo sát, tùy từng trường hợp, nguyên nhân nghèo cụ thể để có phương án trợ giúp phù hợp. Chẳng hạn với những người già yếu không còn sức lao động thì ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, tặng các phần quà của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong các dịp lễ, tết; hỗ trợ hàng tháng theo chế độ chính sách của Nhà nước, đồng thời kêu gọi tổ chức như Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ địa chỉ nhân đạo...
Vận dụng đúng cách, hợp lý
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn 288 hộ nghèo có thành viên là NCC với cách mạng. Mặc dù luôn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, song số hộ NCC thuộc diện hộ nghèo vẫn khó thoát nghèo do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do ốm đau, bệnh nặng kinh niên (di chứng do chiến tranh). Nguyên nhân khác nữa là do NCC ở cùng hộ gia đình có nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất còn nhiều hạn chế nên việc thoát nghèo rất khó khăn.
Thời gian qua, đảng bộ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp đồng bộ và sáng tạo để cùng chung tay giảm nghèo, xóa nghèo đối với hộ nghèo nói chung và những trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo là NCC. Chương trình ý nghĩa, nhân văn này đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tối đa các nguồn lực của Trung ương, địa phương, cộng đồng và người dân cũng như các nguồn xã hội hóa khác.
Theo đại diện Phòng Người có công - Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, từ các nguồn xã hội hóa vận động được và kết hợp "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" của các địa phương, đã có 75 nhà ở của các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo có thành viên NCC được hỗ trợ sửa chữa, xây mới. Hàng nghìn suất quà của các tổ chức, đơn vị trong, ngoài tỉnh được kết nối hỗ trợ cho những trường hợp này vào dịp tết Nguyên đán 2024, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và các dịp lễ kỷ niệm ý nghĩa khác.
Quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh là thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đến năm 2025 đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 2,2-2% và không có hộ nghèo là thành viên NCC. Đồng thời, bảo đảm 100% NCC và gia đình NCC trên địa bàn được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Để đạt được mục tiêu này, nhiều chính sách đã được ban hành đi kèm thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cụ thể.
Nghị quyết số 20 ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, trong đó có một số chính sách nổi bật, đặc thù riêng của tỉnh được xem là "chìa khóa" đa năng giúp tháo gỡ những nút thắt, khó khăn đối với nhiều trường hợp, hoàn cảnh nghèo khó thời gian qua.
Đơn cử như chính sách hỗ trợ 30% còn lại mệnh giá BHYT hộ cận nghèo; chính sách xóa nghèo và hỗ trợ đời sống cho hộ nghèo có thành viên là NCC. Trong đó có chính sách hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng 700.000 đồng/hộ/tháng cho hộ nghèo có thành viên là NCC không có khả năng lao động. Với chính sách này, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trợ cấp xã hội hàng tháng cho 32 trường hợp: Phong Điền 1 trường hợp, Phú Vang 1 trường hợp, Nam Đông 6 trường hợp và A Lưới 24 trường hợp. Chính sách hỗ trợ phương tiện nghe, nhìn với mức 3 triệu đồng/hộ và lắp đặt sử dụng nước sạch mức 6 triệu đồng/hộ được thực hiện chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi...
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Báo Thừa Thiên Huế