Tìm kiếm tin tức
Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Cập nhật 23/07/2024

Bên cạnh nhiều yếu tố, kinh tế ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc đưa cuộc sống nhiều gia đình thoát khỏi diện nghèo, đảm bảo cả về vật chất và tinh thần. Trong đó, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng "xây tổ ấm" cho gia đình, cho cộng đồng, xã hội.

Nhiều mô hình tổ hợp liên kết sản xuất hình thành đã giúp nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn ổn định kinh tế, giúp gia đình thoát diện nghèo
 
Đổi mới từ nhận thức đến hành động
 
Không để nghèo khó đeo đẳng, chị Trương Thị Thúy, ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền) nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế, thoát nghèo bền vững đã đầu tư chăn nuôi gà, lợn, trồng hoa màu. Qua hơn 1 năm tăng gia sản xuất, gia đình chị mạnh dạn đăng ký thoát khỏi hộ nghèo.
 
Gia cảnh chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, phường Đông Ba (TP. Huế) từng rất khó khăn, thuộc hộ nghèo. Nhờ được các tổ chức đoàn thể, phường hỗ trợ vốn mở quầy tạp hóa, nên năm trước, gia đình chị đã thoát được diện nghèo, kinh tế dần ổn định, nhà cửa được xây dựng kiên cố.
 
Những năm qua, từ rất nhiều nguồn lực, các cấp hội đã hỗ trợ hàng trăm mô hình sinh kế, như: cây, con giống, thức ăn, phân bón và hướng dẫn phương pháp chăm sóc, nuôi trồng... Từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên làm kinh tế, có thu nhập ổn định. Hội chú trọng việc hỗ trợ duy trì hiệu quả hợp tác xã do phụ nữ quản lý, tổ hợp tác, tổ liên kết phát triển kinh tế.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 125 tổ liên kết, 21 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Duy trì 17 mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị, các sản phẩm truyền thống, hữu cơ, an toàn, đặc sản với hơn 385 chị tham gia. Hàng năm liên kết các đơn vị trong tỉnh và ngoài tỉnh tiêu thụ gần 200 tấn hàng hóa đặc sản địa phương; hỗ trợ vốn vay, vật dụng kinh doanh mua bán với tổng trị giá trên 792 triệu đồng.
 
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý là một công cụ quan trọng và hiệu quả, giúp cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hội viên phụ nữ được vay các nguồn vốn phát triển kinh tế, giúp họ vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Đến nay, thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 4.461 tỷ đồng, cho 96.573 hộ vay. Hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là cầu nối nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với phụ nữ nghèo. Bên cạnh đó, hoạt động tín chấp với các ngân hàng thương mại khác cũng được các cấp hội chủ động mở rộng khai thác, với tổng dư nợ trên 450 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp chị em mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, chủ động làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Thay đổi tư duy làm kinh tế
 
Trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, hội liên hiệp phụ nữ các cấp luôn xác định, sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo. Đây là một trong những điểm mới của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Nhận thức vấn đề này, các cấp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai các hoạt động với nhiều hình thức, giải pháp sáng tạo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
 
Thời gian qua, nhiều cấp hội đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý tài chính hộ gia đình, kỹ năng quản trị và sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, nâng cao năng lực tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận dụng sáng tạo hỗ trợ hiện thực hóa hơn 160 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ. Đồng thời, tích cực hỗ trợ cho gần 3.000 phụ nữ phát triển kinh doanh thông qua các hình thức như vay vốn, hỗ trợ vật dụng sản xuất…
 
Nhờ đó, đã giúp nhiều phụ nữ từng bước thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo, chủ động mở rộng hoạt động kinh doanh, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm, từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP. Nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng kế hoạch kinh doanh khoa học, phù hợp với mô hình khởi nghiệp của mình, giúp phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
 
Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn phát động xây dựng văn hóa tiết kiệm trong mỗi gia đình, với nhiều hình thức, mô hình như: "Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo", "Tiết kiệm khởi nghiệp", "Biến rác thành tiền", "Đổi ngày công, con giống", "Hũ gạo tình thương", "Nuôi heo đất", "Ống tre tiết kiệm"… Qua đó đã thu được 1.470 triệu đồng, tạo nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ tự lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, đồng hành cùng phụ nữ nghèo yếu thế có địa chỉ... Hội đã tranh thủ vận động các nguồn lực từ hội viên, các tổ chức, cá nhân, dự án quốc tế hàng năm xây dựng và sửa chữa 40 mái ấm tình thương, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng cho gia đình phụ nữ khó khăn, yếu thế; trao hàng ngàn suất học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có nguy cơ bỏ học đi làm ăn xa.
 
Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã giúp đỡ 915 hộ nghèo có phụ nữ thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
 
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN
Tin củ hơn
Xem tin theo ngày  
Tấm gương điển hình tiến tiến