Chọn mô hình sản xuất phù hợp để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững
Nhiều rào cản
Các địa phương thuộc huyện nghèo A Lưới và các xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi DTTS được xem là vùng "lõi nghèo" của tỉnh. Những vùng này có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại huyện nghèo A Lưới là 49,98%, cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh. Ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS còn thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức cao, như: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về điều kiện địa hình, thời tiết..., tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS cao là do ý chí thoát nghèo của người dân còn thấp; cách làm của các cấp chính quyền, cơ sở chưa sâu sát, thiếu thực tiễn. Chẳng hạn, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân mới chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ mà ít triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ theo tổ nhóm cộng đồng, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để tạo điểm sáng nhân rộng.
Việc hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo ở khu vực miền núi, đồng bào DTTS thời gian qua thiếu trọng tâm trọng điểm, chưa áp dụng cơ chế quay vòng để giảm cho không và tăng hỗ trợ có điều kiện...
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua, các địa phương không triệt để thực hiện phương pháp giảm nghèo theo địa chỉ. Việc phân công 3 đơn vị hỗ trợ 1 xã nghèo tuy thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết với cộng đồng, song do sự phối hợp thiếu đồng bộ nên kết quả đem lại chưa cao.
Hỗ trợ đúng trọng tâm, địa chỉ
Theo thống kê giai đoạn 2016-2020 thực hiện chương trình giảm nghèo, tổng số hộ nghèo và cận nghèo vùng đồng bào DTTS chỉ giảm 740 hộ trong tổng số hộ nghèo, cận nghèo giảm tuyệt đối trên địa bàn toàn tỉnh là 10.788 hộ. Trong khi đó, qua rà soát, thống kê, có đến 59,52% là hộ nghèo có thành viên trong gia đình còn nằm trong độ tuổi lao động.
Điều này cho thấy, dù tỉnh đã "ưu tiên" đầu tư nhiều nguồn lực vào vùng đồng bào DTTS, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, thiếu bền vững, một bộ phận khá lớn đồng bào DTTS vẫn còn nghèo, một bộ phận khác tuy đã thoát nghèo, nhưng chỉ chuyển sang hộ cận nghèo hoặc tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm sao đồng bào DTTS thay đổi được cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững. Tất nhiên còn cần đến những "bà đỡ" chính sách, chủ trương, chương trình hành động của toàn hệ thống chính trị chung tay.
Trong đầu tư phát triển sản xuất, thay vì đầu tư dàn trải như trước đây, cần khảo sát tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương, từng hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, xem bà con cần gì để có hướng đầu tư phù hợp theo phương thức "cái gì cần thiết cho phát triển sản xuất, cuộc sống thì ưu tiên đầu tư trước, chưa cần thiết chưa đầu tư, không cần thiết kiên quyết không đầu tư". Mặt khác, các hộ có kinh nghiệm sản xuất, có quyết tâm thoát nghèo, địa phương hỗ trợ đầu tư trở thành mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm, để các hộ khác tham quan học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Các xã vùng cao cần phát huy vai trò của người tiên phong, người làm kinh tế giỏi và có uy tín để đồng hành chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt, giúp đỡ người nghèo cùng vươn lên. Đồng thời, xây dựng chính sách đặc thù, phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển của địa phương để GNBV, hướng tới hỗ trợ động viên, khuyến khích người dân chủ động, tự vươn lên thoát nghèo.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng là tiêu chí đóng vai trò quan trọng để giảm nghèo, xóa nghèo. Nên, dựa trên nguyện vọng và thực tế của hộ nghèo để cán bộ làm công tác giảm nghèo tiếp cận hộ nghèo, hộ cận nghèo tuyên truyền, tư vấn học nghề theo đúng nhu cầu xã hội và phù hợp với khả năng của người lao động; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tư vấn, tuyển dụng lao động.
Công tác đưa người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đang là mô hình giảm nghèo có hiệu quả trong chương trình GNBV, không chỉ giúp người dân thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG