Tìm kiếm tin tức
Dân vận xóa đói, giảm nghèo ở Lâm Đớt
Cập nhật 31/07/2024

Với hình thức liên kết sản xuất theo nhóm hộ gia đình và huy động các nguồn lực chung tay giúp đỡ người dân, xã Lâm Đớt (A Lưới) đang phấn đấu đạt mục tiêu giảm 150 hộ nghèo trong năm nay.

Đại diện các ban ngành tham quan mô hình chăn nuôi của nhóm hộ cùng chị Hồ Thị Bị 
 
Theo chân đoàn công tác đến thăm trại nuôi heo của nhóm hộ gia đình chị Hồ Thị Bị ở Lâm Đớt, ai cũng tấm tắc khen ngợi. Ít ai ngờ trên vùng đồi hoang hóa này lại có một gia trại rộn ràng đến vậy. Đây là “sáng kiến” của công tác dân vận xóa đói giảm nghèo của Đảng ủy xã Lâm Đớt. Theo đó, các nhóm hộ gia đình sẽ hùn vốn, chung sức phát triển mô hình kinh tế.
 
Từ chủ trương của địa phương, vợ chồng Hồ Thị Bị – Viên Xuân A Chai bàn bạc, chọn mô hình chăn nuôi heo liên kết cùng hai hộ dân Nguyễn Thị Đơm và Hồ Văn Phúc. Cuối năm 2023, vợ chồng chị Bị vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhóm các gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng xây chuồng trại. Ban đầu nhóm nuôi 7 heo nái, 1 heo đực, 6 heo giống, sau đó tăng dần số lượng vật nuôi. Để tạo nguồn thức ăn chăn nuôi, các hộ còn trồng thêm môn, rau và tận dụng cây cỏ ủ men vi sinh, men rượu làm thức ăn chăn nuôi. Qua hai đợt xuất chuồng, ước tính thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/năm.
 
Ngoài chăn nuôi, gia đình chị Bị còn trồng tràm, đào ao nuôi cá trắm, cá chép tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống. Chị Bị chia sẻ: “Chung vốn, chung sức nên chăn nuôi hiệu quả hơn trước. Chúng tôi đang cần thêm vốn đầu tư xây thêm chuồng, mua thêm heo. Nếu được địa phương hỗ trợ thêm kỹ thuật chăn nuôi nữa sẽ rất thuận lợi phát triển mô hình trong thời gian tới”.
 
Cũng sản xuất theo nhóm hộ, mô hình VAC của nhóm hộ ông Lê Hòa Đoàn cùng con trai, con rể trồng 5ha rừng tràm, hồ cá, nuôi lợn, bò… ước tính thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/năm. Sau thời gian theo dõi, hiệu quả ban đầu của hai mô hình kinh tế liên kết nói trên cho thấy việc sản xuất tập thể sẽ huy động được “sức người, sức của”. Sau khi đoàn công tác Dân vận Tỉnh ủy cùng các cấp, ngành đã có chuyến tham quan, đánh giá cao hai mô hình nói trên, đảng ủy, chính quyền xã họp bàn cách nhân rộng mô hình. 
 
Lâm Đớt là xã vùng biên giới với hơn 800 hộ dân người Ka Tu, Tà Ôi và các dân tộc khác; trong đó có 480 hộ nghèo, 391 hộ cận nghèo. Tại địa phương này, hơn 500 lao động đi làm ăn xa. Chăn nuôi bò là mô hình truyền thống lâu đời, song không phải hộ dân nào cũng có thể triển khai được. Để đạt chỉ tiêu giảm 150 hộ nghèo trong năm 2024, việc chọn mô hình kinh tế phù hợp để xóa đói giảm nghèo là vấn đề quan trọng. Chọn được mô hình phù hợp nhu cầu và đặc thù với người dân là khó khăn đầu tiên. Mô hình kinh tế này phải thực sự hiệu quả, nổi bật mới có thể thuyết phục người dân làm theo.
 
Vấn đề đặt ra hiện nay là, nhiều hộ muốn phát triển kinh tế song thiếu vốn vay. Dưới sự phân công của đảng ủy, mỗi thôn ở Lâm Đớt thành lập một tổ dân vận, trong đó bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn sẽ làm tổ trưởng nhằm theo dõi, báo cáo nhu cầu tại địa phương, xin ý kiến và hỗ trợ từ cấp trên. Sau khi chọn mô hình phù hợp, UBND xã đề nghị Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 và Đồn Biên phòng cửa khẩu Lâm Đớt đóng trên địa bàn hỗ trợ các gia đình ngày công. Chính quyền xã Lâm Đớt hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, kết nối vốn vay sản xuất, đồng thời có chính sách động viên, khuyến khích người dân.
 
Trung tá Tô Na Sen, Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Lâm Đớt cho biết: “Ngoài hai mô hình thí điểm, các đơn vị quân sự đóng trên địa bàn đều tổ chức nhiều đợt vận động tặng con giống, tặng nhu yếu phẩm, thu hoạch lúa giúp bà con, đỡ đầu thôn bản khó khăn… Hàng năm, Đảng ủy xã, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lâm Đớt, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 đều họp sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới”.
 
Bài, ảnh: LINH TUỆ
Tin cũ hơn
Xem tin theo ngày  
Tấm gương điển hình tiến tiến